8- Giáo Hội Như Một Bí Tích

Hiệp Nhất Sâu Xa với Thiên Chúa.

 

"... Được Chúa Thánh Thần hướng dẫn, từ ban đầu, Giáo Hội đã thể hiện xác nhận căn tính của mình nơi Thánh Thể. Và cứ mãi như thế qua mọi đời Kitô giáo, cho tới thời điểm riêng của chúng ta, tới giai đoạn hiện tại này, lúc mà chúng ta đang chờ đợi tận điểm của đệ nhị Thiên Niên Kitô giáo..." 

            61- "Trong khi đệ nhị Thiên Niên đang tiến tới, một biến cố phải nhắc nhớ cho mọi người, và theo bản chất của mình, nó làm cho việc Lời đã đến vào thời gian viên trọn lại hiện diện một cách mới mẻ, thì Giáo Hội, một lần nữa,  theo giáo huấn và dự án hằng hiệu lực của Công Đồng Chung Vaticanô II, có ý muốn thấu triệt yếu tính thực sự nơi thể chế nhân-thần của mình (her divine-human constitution) cũng như nơi sứ vụ làm cho Giáo Hội chia sẻ với sứ vụ thiên sai của Chúa Kitô. Theo chiều hướng này, chúng ta có thể trở lại với Căn Gác (Upper Room), nơi Chúa Giêsu Kitô mạc khải Thánh Linh như là một Đấng An Ủi, một Thần Linh chân lý, và cũng là nơi Người nói về 'cuộc ra đi' của mình ở thập giá như một điều kiện cần thiết cho Thần Linh 'đến': 'Chính vì lợi ích cho các con mà Thày ra đi, vì nếu Thày không đi, Đấng Dẫn Đàng Chỉ Lối (Counselor) sẽ không đến với các con; song nếu Thày đi, Thày sẽ sai Ngài đến cùng các con' (Jn.16:7). Chúng ta đã thấy rằng lời tiên báo này trước hết đã xẩy ra vào tối ngày Phục Sinh, rồi vào thời gian cử hành Ngày Lễ Ngũ Tuần ở Gia-Liêm, và từ đó chúng ta vẫn thấy rằng điều này được thực hiện nơi lịch sử con người qua Giáo Hội.

            "Trong ánh sáng của lời tiên báo này, chúng ta cũng nắm được hoàn toàn ý nghĩa của điều Chúa Giêsu nói, cũng ở Bữa Tiệc Ly, về cuộc Người 'đến' lại. Vì điều đáng chú ý là, trong cùng một diễn từ giã biệt, Chúa Giêsu chẳng những nói trước về 'cuộc ra đi' của Người mà còn cả việc Người 'đến' lại nữa. Nguyên văn lời của Người là: 'Thày sẽ không bỏ các con côi cút một mình; Thày sẽ đến với các con' (Jn.14:18). Rồi vào lúc giã biệt sau cùng trước khi Người lên trời, Người lập lại một lần nữa rõ ràng hơn nữa: 'Này, Thày ở cùng các con', và việc ở cùng này 'mãi mãi cho đến tận thế' (Mt.28:20). Việc Chúa Kitô 'đến' lại này, việc Người tiếp tục đến này, để ở với các Tông Đồ, với Giáo Hội, việc 'Thày ở với các con mãi mãi cho đến tận thế' này, dĩ nhiên, không thay đổi gì đến sự việc 'ra đi' của Người. Nó theo sau cuộc ra đi này, sau khi hoạt động thiên sai của Chúa Kitô trên trái đất kết thúc, và nó xẩy ra trong tương quan với việc tiên báo Thánh Linh được sai đến, và trong một ý nghĩa nào đó, làm nên một phần sứ vụ riêng của Người. Tuy nhiên, nó xẩy ra bởi quyền phép Thánh Linh, Đấng làm cho nó xẩy ra vì Chúa Kitô, một Chúa Kitô đã ra đi, nay đến lại và mãi mãi đến lại bằng một thể thức mới. Việc Chúa Kitô đến lại này bởi quyền phép Chúa Thánh Linh, và việc Người hiện diện liên tục cũng như tác hành trong đời sống tâm linh được thể hiện nơi thực tại bí tích (in the sacramental reality). Nơi thực tại này, Chúa Kitô, Đấng đã ra đi theo nhân tính hữu hình của Người, đến, hiện diện và tác hành trong Giáo Hội bằng một cách thức thân thiết đến nỗi làm cho Giáo Hội nên Thân Thể của mình. Giáo Hội sống động, hoạt động và lớn lên 'cho đến tận thế' là như thế đó. Tất cả mọi sự này xẩy ra nhờ quyền phép Chúa Thánh Linh". 

            62- "Việc diễn đạt có tính cách bí tích hoàn toàn nhất về 'việc ra đi' của Chúa Kitô qua mầu nhiệm Thập Giá và Phục Sinh là Thánh Thể. Nơi mỗi một cuộc cử hành Thánh Thể, việc Người đến, sự hiện diện cứu độ của Người, được hiện thực một cách bí tích: trong Hiến Lễ (Sacrifice) cũng như trong Hiệp Lễ (Communion). Nó được thực hiện nhờ quyền phép của Chúa Thánh Thần, như là một phần sứ vụ của Ngài (x.Kinh Nguyện Thánh Thể 2). Nơi Thánh Thể, Chúa Thánh Thần thực hiện việc 'kiên cường con người nội tại' được nói đến trong Thư của giáo đoàn Êphêsô (3:16)...

            "... Được Chúa Thánh Thần hướng dẫn, từ ban đầu, Giáo Hội đã thể hiện xác nhận căn tính của mình nơi Thánh Thể. Và cứ mãi như thế qua mọi đời Kitô giáo, cho tới thời điểm riêng của chúng ta, tới giai đoạn hiện tại này, lúc mà chúng ta đang chờ đợi tận điểm của đệ nhị Thiên Niên Kitô giáo..."

            63- "Việc hiện diện Thánh Thể (Eucharistic presence) của Chúa Kitô, bí tích 'Thày ở cùng các con' của Người, giúp cho Giáo Hội càng khám phá sâu xa hơn mầu nhiệm của mình, như đã được Công Đồng Chung Vaticanô II trình bày trọn bộ giáo hội học, theo đó, 'Giáo Hội, trong Chúa Kitô, như là một bí tích hay là một dấu hiệu và dụng cụ cho việc hiệp nhất thân mật với Thiên Chúa cũng như cho việc hiệp nhất của cả loài người' (Lumen Gentium, đoạn 1). Như là một bí tích, Giáo Hội là một triển nở từ Mầu Nhiệm Vượt Qua của việc Chúa Kitô 'ra đi', sống động bằng việc 'đến' lại của Người nhờ quyền phép Chúa Thánh Thần, trong cùng một sứ vụ với Thần Linh chân lý Đấng An Ủi (the Paraclete-Spirit of truth). Thật vậy, đó là mầu nhiệm chính yếu của Giáo Hội như Công Đồng tuyên xưng.

            "... Khi Giáo Hội càng nhận biết mầu nhiệm này, Giáo Hội càng thấy mình trước hết là một bí tích rõ ràng hơn.

            "Điều này cũng được thể hiện là vì, bởi ý muốn của Chúa mình, nhờ các bí tích riêng biệt Giáo Hội hoản thành sứ vụ cứu độ của mình đối với con người. Sứ vụ bí tích này, mỗi khi được thực hiện, nó đều diễn lại mầu nhiệm 'ra đi' của Chúa Kitô nơi Thập Giá và việc Phục Sinh của Người, nhờ đó mà Chúa Thánh Thần đến. Ngài đến và làm việc: 'Ngài ban sự sống'. Vì các bí tích biểu hiệu cho ân sủng và ban ân sủng: chúng biểu hiệu cho sự sống và ban sự sống. Giáo Hội là một nơi hữu hình mang những dấu hiệu linh thánh này (the visible dispenser of the sacred signs), trong khi Chúa Thánh Thần tác động nơi các dấu hiệu này như một Đấng vô hình ban (the invisible dispenser) sự sống mà chúng biểu hiệu. Cùng với Thần Linh, Chúa Giêsu Kitô hiện diện và tác hành..." 

            64- "Nếu Giáo Hội là bí tích của sự hiệp nhất thân mật với Thiên Chúa, thì Giáo Hội là thế trong Chúa Giêsu Kitô, trong Đấng mà cũng cuộc hiệp nhất này được thực hiện như là một thực tại cứu độ (a salvific reality). Giáo Hội là thế trong Chúa Giêsu Kitô nhờ quyền phép của Chúa Thánh Thần. Tầm vóc viên trọn của thực tại cứu độ này là Chúa Kitô trong lịch sử, trải dài ra theo con đường bí tích (a sacramental way) trong quyền phép của Đấng An Ủi Thần Linh (the Spirit-Paraclete). Theo đường lối này, Chúa Thánh Thần là 'Đấng Chỉ Đàng Dẫn Lối khác' (another Counselor), hay là Đấng Chỉ Đàng Dẫn Lối mới, vì qua tác động của Ngài, Tin Mừng hình thành trong tâm trí con người cũng như lan ra khắp lịch sử. Chính Thánh Linh là Đấng ban sự sống trong tất cả mọi sự này...

            "Như thế, cuộc 'hiển linh' của Tình Yêu vô cùng của Ba Ngôi Thiên Chúa được thể hiện: đó là việc Thiên Chúa, Đấng là Thần Linh vô cùng, đến gần với thế giới hữu hình. Thiên Chúa Ba Ngôi thông mình cho con người trong Chúa Thánh Thần từ ban đầu nơi 'hình ảnh' Ngài và 'tương tự' như Ngài. Dưới ảnh hưởng của cùng một Thần Linh, con người, và qua con người là thế giới được tạo thành, đã được Chúa Kitô cứu chuộc, tiến đến gần cùng đích tối hậu (ultimate distinies) của mình trong Thiên Chúa. Giáo Hội là 'một bí tích, đó là dấu hiệu và là dụng cụ' của việc 'tiến đến' này cùng với hai chiều tạo dựng và cứu chuộc, Thiên Chúa và con người. Giáo Hội đang nỗ lực để phục hồi và kiên cường sự hiệp nhất nơi tận gốc rễ của loài người: đó là mối liên hệ của việc hiệp thông mà con người phải có đối với Thiên Chúa là Hóa Công của mình, là Chúa và là Đấng Cứu Chuộc của mình. Đây là một sự thật dựa trên căn bản của giáo huấn Công Đồng, chúng ta có thể suy niệm, diễn giải và áp dụng tất cả ý nghĩa tròn đầy của nó vào giai đoạn chuyển tiếp từ đệ nhị sang đệ tam Thiên Niên Kitô giáo này. Và chúng ta hân hoan nhận thức càng rõ ràng hơn rằng, trong công cuộc được Giáo Hội thực hiện trong lịch sử cứu rỗi, cũng là một phần của lịch sử nhân loại, Chúa Thánh Thần đang hiện diện và làm việc - Ngài là Đấng, bằng hơi thở của sự sống thần linh, hòa nhập với cuộc lữ hành trần thế của con người và làm cho tất cả mọi tạo vật, cho toàn thể lịch sử, cùng nhau tuôn chảy tới cùng đích tối hậu của nó, chảy vào đại dương vô cùng của Thiên Chúa".